BÁC HỒ VỚI NGÀNH HÀNG HẢI
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời của mình để đấu tranh vì độc lập, tự do dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Nhân kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2016), chúng ta cùng nhìn lại một số hình ảnh, tư liệu “Bác Hồ với hàng hải” nhằm thể hiện tấm lòng thành kính Vị Cha Già dân tộc, đồng thời là một lời hứa của người hàng hải: Nguyện học tập và làm theo tấm gương của Người, phấn đấu vì một nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bến Nhà Rồng (cảng Sài Gòn), nơi người người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911
Với khát vọng đi tìm con đường giải phóng dân tộc bằng chính sức lao động và trí tuệ của mình, trong hành trình những năm tháng tuổi trẻ bôn ba tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, với tên gọi Văn Ba, Nguyển Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã có nhiều năm làm việc trên những tàu biển. Chính trong môi trường lao động đặc thù đầy khó nhọc này, Người đã có cơ hội đến nhiều quốc gia trên thế giới, tạo tiền đề để Người Thanh Niên có ý chí đặc biệt này nhận thức ra những điều cốt lõi của những hình thái xã hội khác nhau, để tự mình tìm đến những giá trị tinh hoa nhất của nhân loại trong việc lựa chọn con đường cách mạng để cứu nước, để đưa đồng bào mình thoát khỏi thân phận nô lệ, đói nghèo, đấu tranh để giành độc lập, thống nhất, tự do và hạnh phúc.
Ngày 20-10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp trở về Việt Nam qua cảng Hải Phòng
Bác Hồ về thăm cảng Hải Phòng (ngày 30/5/1957)
Đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, các thế hệ hàng hải Việt Nam luôn tự hào về người thủy thủ tiêu biểu Văn Ba – Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tự hào với truyền thống đấu tranh bất khuất kiên cường của các thế hệ thủy thủy Việt Nam yêu nước đã từng tham gia cất giấu, vận chuyển tài liệu báo chí cách mạng bí mật qua đường biển, làm cầu nối liên lạc giữa phong trào cách mạng Việt Nam với quốc tế. Tự hào với truyền thống đấu tranh kiên cường của công nhân cảng Sài Gòn trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến với sự kiện đốt tàu Alee của Pháp đêm 15/5/1945; về cuộc đấu tranh không khoan nhượng của công nhân cảng Hải Phòng nhằm giữ tàu, máy móc, thiết bị, tài liệu không cho kẻ địch thực hiện âm mưu phá hoại của chúng trong 300 ngày trước khi tiếp quản cảng Hải Phòng; về truyền thống vừa sản xuất, vừa chiến đấu trong những ngày chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại cảng Hải Phòng, Bến Thủy… Nhiều cá nhân tiêu biểu của ngành Hàng hải đã vinh dự được trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động”, được tặng Huy hiệu Bác Hồ…, và biết bao tấm gương hy sinh anh dũng của các cán bộ, thủy thủ, công nhân…. để đảm bảo an toàn cho các hải cảng, cho các chuyến tàu... Những hình ảnh đó mãi mãi là mốc son chói lọi trong chặng đường lịch sử xây dựng và phát triển của ngành Hàng hải Việt Nam.
(Theo tư liệu của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia)